TRƯỜNG MẦM NON PHƯỜNG 1

"Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền em"

 
Học tập chuyên đề "Gương mẫu thực hiện quy tắc ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, nhân viên và giáo viên, nhân viên với cán bộ quản lý"
Ngày đăng: 28-05-2024
Chi bộ trường Mầm non Phường 1 xây dựng chuyên “Gương mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, nhân viên và giáo viên, nhân viên với cán bộ quản lý”

 I. Cơ sở lý luận

         Sức mạnh cảm hóa, cuốn hút và tập hợp được mọi người - đó là phong cách ứng xử, một bí quyết thành công trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết đề cập những nét tiêu biểu trong phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: khiêm tốn; khoan dung, độ lượng và tình yêu thương, tôn trọng con người... đây là tấm gương mẫu mực về phong cách ứng xử của Người, để mỗi cán bộ, đảng viên luôn không ngừng học tập và làm theo trong cuộc sống và công việc hàng ngày.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị (chân, thiện, mỹ), mang đậm dấu ấn cá nhân, được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức đa dạng, phong phú của Người. Trong đó, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là một mẫu mực của phép đối nhân, xử thế; một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn của lẽ phải, tình thương và bao dung rộng lớn.

Phong cách ứng xử chính là mối quan hệ giữa người với người trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Nét nổi bật nhất của phong cách ứng xử Hồ Chí Minh chính là sự khiêm tốn. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khiêm tốn. Người từng nhấn mạnh: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”.

Khi tiếp xúc với bất cứ ai, Người không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà rất dân chủ, bình đẳng; luôn thương yêu, kính trọng, tin tưởng và phát huy con người; quan tâm săn sóc đến tư tưởng, công tác, đời sống của từng người, từng giai tầng, lứa tuổi, không bỏ sót một ai; sống chan hòa, gần gũi với mọi người, nâng niu từng nhân cách. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách của người ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hành động đúng như những điều mình đã nói, Người có cách ứng xử mang đậm bản chất của người Việt Nam “kính già, yêu trẻ, trọng phụ nữ”. Rất nhiều người khi được gặp Bác đều có chung cảm tưởng là được gặp một con người rất Người, thương người; mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu. Bác luôn có sức hút kỳ lạ với mọi người; được gặp Bác là được gặp một nhân cách tỏa sáng thông qua tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và nhờ vậy mà trưởng thành hơn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhận xét sâu sắc: “Lúc gặp một con người, bất cứ ai, làm việc gì, trong hoàn cảnh nào, Bác đều đem lại cho người đó cái người ta cần, nó có thể làm cho người đó suy nghĩ, nó có thể đòi hỏi người đó khá nhiều, và như vậy người đó sẽ vươn lớn lên ngang tầm công việc của mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đối lập với sự khiêm tốn là tính kiêu ngạo, mà biểu hiện của nó là tự cao, tự đại, tự cho mình là tài giỏi hơn hết, rồi ba hoa, khoe khoang, cho ai cũng không bằng mình, không xem ai ra gì, việc gì cũng muốn làm thầy người khác, thậm chí “Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”5. Theo Người, càng cao, càng giỏi, càng có công lao càng phải khiêm nhường; người cách mạng không được hiếu danh, kiêu ngạo, đặc biệt “người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu”, nghĩa là phải lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì phải có nhiệt thành, quyết tâm, phải khiêm tốn và chịu khó. Đối với câu hỏi “học ở đâu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn, ai mà tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất.

 Phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự bao dung, độ lượng vĩ đại, cảm hóa mọi người. Trong công việc và cuộc sống thường ngày, cách giải quyết của Bác bao giờ cũng thấu lý, đạt tình, chan chứa lòng yêu thương và sự quan tâm đến con người. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), bàn về tư cách một người cách mệnh, Người chỉ rõ: “Với từng người thì khoan thứ”, tức là phải rộng rãi, hòa hợp với mọi người và rộng lòng tha thứ cho người.

Đặc biệt, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người nhiều lần đề cập đến đức tính khoan dung, độ lượng của người lãnh đạo: phải biết yêu thương, quý trọng, thành tín và khoan dung đối với người dưới quyền; phải biết lắng nghe, hiểu thấu cán bộ, đảng viên và nhân dân; biết tôn trọng, chấp nhận cái khác biệt… thì mới có thể tập hợp, giáo dục, sử dụng và phát huy được tiềm năng, sức mạnh của mọi người, mọi lực lượng phục vụ cho sự nghiệp chung. Đối với những người có thói hư tật xấu, thậm chí đã từng lầm đường lạc lối thì phải lấy lòng khoan dung, độ lượng mà giáo dục, cảm hóa họ, giúp đỡ họ tiến bộ, trở thành những người có ích cho xã hội. Người nhấn mạnh, sông sâu, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được; nhưng cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Vì vậy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái, chứ không sợ người ta không theo mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ việc xử thế xưa nay là vấn đề không dễ dàng, mà đòi hỏi tính đúng đắn, khéo léo, tinh tế rất cao. Với những trải nghiệm của bản thân cũng như từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Người đã có những đúc kết mang tính nguyên tắc, chân lý sâu sắc: “Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”; “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc” Trong vấn đề sử dụng cán bộ, Người nêu rõ: “Mình phải có lòng độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”. Trách nhiệm của người lãnh đạo là làm cho cán bộ “ham làm việc, vui làm việc”; “Phải giúp cán bộ cho đúng - phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”; đối với nhân tài ngoài Đảng thì “chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Đối với cán bộ bị sai lầm, phải tìm cách đúng để giúp họ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm; phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra nguyên nhân vì sao mà sai lầm. Làm thế nào mà sửa chữa. Phải giải thích rõ ràng, để cho họ thấy rõ sai lầm đó, từ đó mà vui lòng sửa đổi.

Đối lập với khoan dung, độ lượng là bệnh hẹp hòi, ích kỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, hẹp hòi là chỉ biết cá nhân mình, xa rời tập thể, xa rời quần chúng, không biết dùng nhân tài, không biết cách xử trí khôn khéo với mọi tầng lớp nhân dân để huy động sức người, sức của và tinh thần đoàn kết phục vụ cho cách mạng. Bệnh hẹp hòi hết sức tai hại và nguy hiểm, nó sẽ làm cho con người và tổ chức trở nên cô độc, mà “cô độc nhất định sẽ thất bại”; nó sinh ra tệ chia rẽ, bè phái, phá hoại sự thống nhất trong Đảng, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí.

3. Xuyên suốt, nhất quán trong chiều sâu tư tưởng và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương, tôn trọng con người “… ở đời và làm người thì phải biết thương nước, thương dân, thương nhân loại lao khổ”. Người nhấn mạnh: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Nhân nghĩa chính là cái gốc trong giao thiệp, ứng xử giữa con người với con người, nên phải quan tâm đến thái độ, hành vi đối nhân xử thế của mình sao cho có tình có nghĩa, thấu lý đạt tình, không nên cứng nhắc, máy móc hay lý luận suông.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG

  • Ưu điểm

Cán bộ quản lý ứng xử với giáo viên, nhân viên luôn đảm bảo các quy định trong quy tắc như: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.

Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự rút kinh nghiệm cho nản thân từ đó giúp cán bộ quản lý hoàn chỉnh hơn.

Giáo viên, nhân viên ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.

Giáo viên ứng xử với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.

 Ứng xử của nhân viên; ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, hợp tác; chấp hành các nhiệm vụ được giao. Không né tránh trách nhiệm, xúc phạm, gây mất đoàn kết, vụ lợi.

   2. Hạn chế

Một số đảng viên ít chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, chưa mạnh dạn đề xuất nhiều sáng kiến hay trong thực hiện nhiệm vụ, chưa nghiên cứu văn bản cụ thể Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT số 06/2019/QĐ- BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên,

   Việc tự soi, tự sửa chưa được đảng viên thực hiện quyết liệt, chưa mang lại hiệu quả cao.

Một số đảng viên chưa thể hiện rõ tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện các quy định trong quy tắc ứng xử của nhà trường, chưa chủ động sửa chữa khuyết điểm, từng lúc chưa kìm chế cảm xúc của bản thân.

III. Một số giải pháp trong thời gian tới

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đảnh viên ngoài việc tích lỹ kinh nghiệm cho bản thân còn phải tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp, giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ, xây dựng chi bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, nhà trường phát triển ngày một bền vững.

Chi bộ thường xuyên chuyển tải văn bản trong các cuộc họp, tạo sự tập trung chú ý cho đảng viên, nhấn mạnh những nội dung quan trọng cần thực hiện để đảng viên nắm rõ thực hiện mang lại hiệu quả cao, đưa văn bản đến đảng viên bằng nhiều hình thức, gửi qua mail chuyên môn, mail trường, zalo nhóm trường Mầm non Phường 1.

Điển hình những tấm gương tiêu biểu, những đảng viên, và quần chúng thực hiện tốt quy tắc ứng xử của nhà trường.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giúp đảng viên sửa chữa khuyết điểm, động viên đảng viên và quần chúng tự soi, tự sửa, tự hoàn chỉnh bản thân để thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong đơn vị.

Thực hiện tốt Quy định 101-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên gắn với thực hiện quy tắc ứng xử trong đơn vị. Mỗi đảng viên và quần chúng phải chủ động trong sửa chữa khuyết điểm quả bản thân, kìm chế tối đa cảm xúc tiêu cực, thực hiện đồng nhất giữa tư tưởng và hành động, thể hiện thái độ phù hợp với trình độ nhận thúc và vị trí việc làm của mỗi cá nhân.

Thực hiện tốt chủ đề của nghành học xây dựng một trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em.

Phát huy tối đa quyền và nghĩa vụ của nhà giáo đối với trẻ em là thực hiện tốt nhiệm vụ trước nhân dân, trước tập thể, trước chi bộ.

Sẵn sàng phê bình, loại trừ ngay những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử theo quy định.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, uốn nắn, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các hành vi sai trái của đảng viên trong thực hiện quy tắc ứng xử.

IV.Tổ chức thực hiện

Từng đảng viên trong chi bộ nghiêm túc nghiên cứu nắm vững chuyên đề để từ đó thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục tốt các hạn chế còn tồn tại để thực hiện một cách có hiệu quả nhất chuyên đề đã đề ra.

Lịch công tác
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 71
  • Trong tháng: 137
  • Trong năm: 3075
  • Tất cả: 10252
ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: TRƯỜNG MẦM NON PHƯỜNG 1

Địa chỉ: Khóm 3, Phường 1, Thị xã Ngã Năm, Tỉnh Sóc Trăng

Điện thoại: 02993.869.103   - Fax:  - Email: mgnganam.nn@soctrang.edu.vn